top of page
Ảnh của tác giảHiển Duy

Ánh sáng cuối đường hầm: võ sĩ UFC và căn bệnh "sương mờ não" hiếm gặp.

Josiah “Muscle Hamster (hamster cơ bắp)” Harrell - võ sĩ UFC tỉnh dậy sau chín tiếng bóng tối ập đến. Với anh, nó dường như chỉ diễn ra trong một tích tắc.


Anh đã cảm thấy choáng. Điều cuối cùng anh nhớ trước khi bác sĩ gây mê là những câu chuyện đùa vui vẻ với các bác sĩ rằng thuốc mê của họ không có tác dụng. Trận chiến kéo dài nhiều hiệp, nhưng cuối cùng thì ý thức của Harrell đã buộc phải đầu hàng.


Trong thời gian đó, Harrell trải qua một ca phẫu thuật phức tạp có thể hiểu đơn giản là để điều chỉnh lưu lượng máu truyền đến não.


Còn để mô tả chi tiết hơn về cuộc phẫu thuật, những gì mà các bác sĩ đã làm để làm rõ về sự nghiêm trọng của ca phẫu thuật này thì Harrell đã kể lại như sau:


"Họ đã tháo hộp sọ của tôi ra, đục một lỗ trên đó, lấy một mạch máu từ bên ngoài hộp sọ rồi luồn qua cái lỗ đó, gắn tiếp hai mạch máu bổ sung vào cuối, sau đó họ sử dụng chúng để làm cho máu chảy đến phần đỉnh và não phải của tôi. Tiếp theo, họ lắp lại hộp sọ, đặt một tấm thép không gỉ lên trên và giữ hai đầu của mạch máu mà họ đã luồn qua. Họ giữ chúng ở phía trên hộp sọ của tôi. Bởi trước kia, lượng máu truyền từ dưới đáy sọ lên trên của tôi ít quá, rồi sau đó nó tịt hẳn không còn truyền lên não được nữa. Và giờ đây não của tôi nhận máu từ phía bên ngoài".


Harrell, 25 tuổi, tạm dừng sự nghiệp MMA chỉ vài ngày sau khi có được bước đột phá lớn trong sự nghiệp - sau khi ký hợp đồng g để tham gia một trận đấu short-notice (thời gian chuẩn bị ngắn) tại UFC 290, Harrell phát hiện kết quả kiểm tra y tế trước trận đấu của mình bị cảnh báo. Sau khi kiểm tra MRA lần đầu cho thấy một bệnh não hiếm gặp được gọi là bệnh Moyamoya (tiếng Nhật - dùng để chỉ một làn khói hoặc đám mây mờ ảo. Bệnh được đặt tên như vậy là do các mạch máu não bị tổn thương và thu hẹp dần, dẫn đến lưu lượng máu não ngày càng không đủ để cung cấp máu cho não. Cơ thể sẽ bù đắp lại bằng cách phát triển một mạng lưới mạch máu thứ cấp, bao gồm các mạch tân tạo nhỏ để cố gắng bù đắp cho thiếu máu não. Các mạch máu mới này rất mỏng manh và dễ vỡ nên có nguy cơ gây xuất huyết não. Do vậy ở những người bị bệnh Moyamoya khi chụp mạch não thấy lưới mạch máu não xuất hiện với hình ảnh nhạt nhòa, mờ ảo giống như bị che phủ bởi đám mây mỏng hoặc một làn khói - "sương mờ não")


Ca phẫu thuật này sẽ cho phép anh tiếp tục đấu thi đấu vào cuối năm, tuy nhiên sẽ không có gì đảm bảo. Cựu võ sĩ UFC Vince Murdock cũng trải qua quá trình này tại cùng một bệnh viện vào năm 2019. Murdock tiếp tục thi đấu thể thao đối kháng vào năm 2020 và là người đã tư vấn cho Harrell trong suốt quá trình này.


Harrell ca ngợi Murdock, quản lý của anh Maurice Blanco, nhóm bác sĩ tại Trung tâm Y tế Stanford đã dẫn anh đi đúng hướng, cũng như những người đã quyên góp vào quỹ GoFundMe hỗ trợ anh.


" Tiến sĩ Gary Steinberg và nhóm của ông là hàng đầu thế giới", Harrell nói.


Mặc dù tình hình nghiêm trọng, tính hài hước của Harrell không bị ảnh hưởng:


"Tôi tỉnh dậy thấy mình đang cương cứng và đã mất khoảng chín giờ để nó hạ xuống", Harrell nói. "Tất cả các khớp và xương của tôi đều đau nhức. Nói chung là cứ di chuyển là đau. Đó là 9 tiếng phẫu thuật đầy tăm tối. Rồi sau đó là ánh sáng và tôi tỉnh dậy với một đống các loại thuốc. Đó là kiểu vừa đau đớn vừa sung sướng, bạn biết đấy?"


Harrell đã chiến đấu với tất cả những nghi ngờ, lưỡng lự và những suy nghĩ tiêu cực - những thứ luôn đi kèm với một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Hai vũ khí chính của anh là sự tích cực và hài hước. Thái độ và thói quen sống này của anh thật sự rất tốt khi đối diện với khó khăn.


"Ở thời điểm này trong sự nghiệp, tôi cảm thấy mọi thứ đã dẫn đến điều này", Harrell nói. "Nó giống như số phận. Đó là trách nhiệm chăm sóc bản thân, kiên nhẫn và bắt đầu trên con đường hồi phục này, để có thể đến nơi định mệnh sắp đặt. Tôi cũng sợ những về cái gọi là 'nếu như' chứ, nhưng tôi cũng phải nắm lấy bản thân mình và tiếp tục đi, bởi 'Đây là lựa chọn duy nhất trừ khi muốn chết ở tuổi 40 hoặc 45.'"


Đó là từng bước của Harrell. Quá trình hồi phục không hoàn toàn suôn sẻ. Vết thương của anh đã từng bị nhiễm trùng dẫn đến nhiều cơn co giật.


Một lần nữa, sự vui vẻ của Harrell cũng chính là một liều kháng sinh hữu ích cho căn bệnh này.

"Nếu tôi có đến một bữa tiệc và nhảy múa một chút cũng không sao đâu nhỉ," Harrell nói. "Sau đó về uống kháng sinh và vẫn ổn thôi".


Bên cạnh những câu chuyện đùa, Harrell còn có động lực. Mục tiêu không thay đổi chỉ có thời gian là thay đổi một chút. Theo anh biết, Harrell vẫn nằm trong danh sách của UFC. Buổi quảng bá ngày ra mắt của Harrell chỉ cách duy nhất một chấp thuận của bác sĩ và anh hy vọng mình sẽ có thể trở lại trong vòng sáu tháng.


"Cần khoảng năm hoặc sáu này là tôi có thể chạy được rồi, sau đó cần ba tháng nữa cho đến khi có thể sẵn sàng ăn đấm vào mặt," Harrell nói. "Tôi biết người bình thường sẽ không hỏi những câu đó, nhưng tôi lại hỏi bác sĩ, 'Bao nhiêu tuần nữa tôi có thể ăn đấm vào mặt được?' Họ nói, 'Khoảng ba tháng.' Tôi nói, 'Tuyệt vời.'"


Mặc dù việc bị đấm và đá vào mặt có vẻ ngẫu nhiên đối với Harrell, nhưng năm qua đã mang lại cho anh cái nhìn mới. Sống với một tính mạng bị đe doạ, trải qua một cuộc phẫu thuật tiên tiến và đối mặt với các phản ứng hậu phẫu, Harrell không còn coi sức khỏe thể chất của mình là vấn đề hàng đầu nữa - mà là sự nỗ lực và động lực.


"Mọi thứ tôi nghĩ về lúc này là: Tôi không muốn tự làm tổn thương bản thân mình bằng cách sợ hãi những điều gì có thể xảy ra và không thể xảy ra," Harrell nói. "Và có lẽ cuộc phẫu thuật đã giúp tôi hiểu được rằng nó không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn chút nào cả - nhưng nó làm cho tôi biết mình ở gần với cái chết đến thế nào. Nó làm cho tôi hiểu được việc trải qua một cơn co giật mà không hề hoảng sợ bởi tôi không sợ chết. Tôi chỉ tự nói với bản thân mình trong khi vượt qua nó, 'Tôi không muốn chiến đấu với điều này.' Dù cho rất khó để có thể nói và thở, và cũng chẳng thể kiểm soát được cơ thể mình một chút nào nhưng nếu có thể mỉm cười thì tôi sẽ mỉm cười khi đó. Đây là những gì mọi người đã trải qua cùng tôi, hiểu về những điều đó. Cơn co giật đầu tiên đến, tôi thậm chí còn không biết đó là một cơn co giật. Rồi đến cơn co giật thứ hai, tôi nói, 'Ồ, cái trò này mình quen rồi đấy.'


"'OK, tôi không sợ chết. Tôi biết điều đó.' Hồi bé, tôi đã trải qua hàng triệu lần cái cảm giác như mình sẽ chết. Rõ ràng, nó trầm trọng hơn nhiều khi chỉ là một cậu nhóc chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra và chỉ đang cố gắng tìm hiểu về cuộc sống. Nhưng tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ không đạt được đến tiềm năng của mình thôi. Có lẽ nó đã đưa tôi gần hơn việc 'Này, bạn có thể đi bất kỳ lúc nào'. Tôi sẽ nói thực sự là có, giờ đây khi tôi đang trên con đường vượt qua và nói về nó. Tôi không nghĩ về nó nhiều. Nhưng có, có lẽ điều đó làm cho tôi trân trọng cuộc sống nhiều hơn một chút."


Harrell được truyền động lực bởi những ước mơ và khát vọng lâu dài của mình, nhưng khi nhìn thấy sự tử tế và giúp đỡ mà anh nhận được từ người khác trong suốt quá trình này, anh cũng muốn đền đáp lại cho vũ trụ.


"Nếu ai đó có thể nhận được một chút ánh sáng hoặc hy vọng từ câu chuyện của tôi, điều đó sẽ làm tôi hạnh phúc hơn cả việc tôi có thể quay lại thi đấu," Harrell nói. "Những người không có hy vọng làm tôi sợ hãi. Luôn khó khăn khi phải đối diện với một tình huống vô vọng và không thể nghĩ ra lối thoát nào. Nếu tôi có thể giúp những người đó, điều đó sẽ làm tôi hạnh phúc hơn nhiều so với việc có thể thi đấu trở lại."

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page